Liên hệ

VHT sẽ bắt kịp công nghệ quốc phòng hiện đại của thế giới

Tháng 09,  19/2022

Để sớm đạt mục tiêu ấy, Thượng tá Nguyễn Vũ Hà, Tổng giám đốc VHT khẳng định, ở vị thế đi sau, VHT phải tìm ra những nét đặc sắc của riêng mình để vượt lên, quyết tâm bắt kịp với công nghệ quốc phòng hiện đại nhất thế giới.

Đi ngay vào những công nghệ hiện đại nhất

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, “song hành cùng thế giới” là mục tiêu được VHT đặt ra ngay từ đầu. Vậy công nghệ công nghiệp quốc phòng mà VHT đang nghiên cứu sản xuất có phải là những công nghệ mới nhất của thế giới không?

Tổng giám đốc VHT Nguyễn Vũ Hà: Với một số ngành mũi nhọn như radar, thông tin, quang điện tử, mô phỏng, ngay từ đầu, Viettel đã có chiến lược nghiên cứu tiếp cận được với xu hướng mới nhất của thế giới. Ví dụ, khi làm máy thông tin quân sự, ngay giai đoạn đầu chúng tôi đã đi vào công nghệ mới nhất SDR. Năm 2011, công nghệ này hình thành và VHT đã đưa vào sản phẩm từ năm 2014. Hay như quang ảnh nhiệt thì chúng tôi không đi vào các lớp khuếch đại ánh sáng mờ mà đi thẳng vào ảnh nhiệt là công nghệ mới nhất bây giờ. Các công nghệ cao tần cũng như các công nghệ bán dẫn cũng vậy... Một số ngành, một số lĩnh vực công nghệ quân sự khác, VHT vẫn đang nỗ lực để bắt kịp công nghệ thế giới, mục tiêu đến năm 2025 song hành các thế hệ vũ khí thứ 4, thứ 5. 

1-2
Tổng giám đốc VHT Nguyễn Vũ Hà. Ảnh: MINH SƠN 

Ở thời điểm hiện tại, công nghệ của VHT còn cách họ khoảng nửa thế hệ. Những bước cuối cùng bao giờ cũng là khó khăn nhất. Nhưng chúng tôi tự tin là mục tiêu trên sẽ về đích đúng hẹn.

PV: Liệu có liều lĩnh hay không khi mà VHT quyết tâm đi ngay vào công nghệ quân sự hiện đại nhất, trong khi đây là ngành đặc thù và trình độ công nghệ Việt Nam vẫn ở phía sau khá xa so với các nước phát triển?

Tổng giám đốc VHT Nguyễn Vũ Hà: Đó là sự liều lĩnh mang tính tất yếu. Đối với ngành công nghệ, nếu người đi sau không bắt tay ngay vào cái mới nhất thì không bao giờ thành công, vì chẳng ai đợi mình cả. VHT cũng như doanh nghiệp của những nước có ngành sản xuất phát triển muộn hơn, phải cạnh tranh quyết liệt với các nước phát triển trước, bắt buộc phải đi vào những cái mới nhất thì mới có cửa để tồn tại, để đi đường dài.

PV: Không ít ý kiến cho rằng, VHT đã có sẵn một lợi thế lớn là phục vụ cho nền quốc phòng Việt Nam. Vậy tại sao VHT vẫn luôn hướng đến việc đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài?

Tổng giám đốc VHT Nguyễn Vũ Hà: Nhận định như thế cũng có cơ sở, nhưng chưa đủ. VHT có khách hàng lớn là Bộ Quốc phòng. Nhưng Bộ Quốc phòng chính là khách hàng rất khó tính với các sản phẩm của VHT. Khó tính ở đây không phải là gây khó dễ, mà là yêu cầu rất cao với tất cả sản phẩm của chúng tôi. Tất cả sản phẩm của VHT đều phải cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm trên thế giới. Bộ Quốc phòng xây dựng các chỉ tiêu, tính năng theo kinh nghiệm tác chiến của thế giới nên VHT bắt buộc phải đạt được điều đó. 

Còn trong nội bộ Viettel, chúng tôi cũng có tiêu chuẩn quy trình riêng. Nghiên cứu phát triển thành công sản phẩm thì chúng tôi cũng mới chỉ đạt 40% yêu cầu, bán được trong thị trường nội địa là được 70% yêu cầu, bán ra thế giới mới đạt 100% yêu cầu. Ngay trong giai đoạn nghiên cứu, nếu không đặt ra mục tiêu xuất khẩu thì có nghĩa là chúng tôi sẽ không hoàn thiện được sản phẩm tốt nhất. Câu chuyện ở đây có cả 2 chiều: khách hàng rất khó tính; và tầm nhìn của lãnh đạo Viettel và bản thân VHT là phải cạnh tranh được với thế giới. 

Tầm nhìn tập đoàn giao cho VHT là đến năm 2030 phải đứng trong top 80 của lĩnh vực công nghiệp quốc phòng trên toàn thế giới, tức là 50% thị trường nội địa và 50% thị trường quốc tế.

Bản sắc riêng trong công nghệ của VHT

PV: Thưa đồng chí, công nghệ quốc phòng đòi hỏi bản sắc riêng, vậy điều gì tạo nên bản sắc công nghệ quốc phòng của VHT?

Tổng giám đốc VHT Nguyễn Vũ Hà: Thứ nhất, chúng tôi có một thế mạnh là nhận được “đề bài” và được song hành nghiên cứu, phát triển từ khách hàng đặc biệt là Bộ Quốc phòng. Trong quá trình xây dựng tham số, tính năng tác chiến kỹ thuật, đánh giá thử nghiệm, điều chỉnh tính năng, thậm chí là xây dựng các cách thức sử dụng thiết bị chiến thuật, rồi tổ chức lực lượng sử dụng trang thiết bị do Viettel sản xuất, các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng đều tham gia rất trách nhiệm, tâm huyết, góp ý ngay vào sản phẩm. Đó là những thuận lợi giúp rút ngắn rất nhiều thời gian phát triển ra sản phẩm cho Viettel cũng như cho đất nước.

Điểm thứ hai là, theo triết lý của Viettel, chúng tôi luôn luôn tiến đến sở hữu công nghệ lõi. Khác với cách tiếp cận sao chép đơn thuần, VHT làm có tư duy đột phá, điều này khác với nhiều doanh nghiệp trong khu vực. Chúng ta qua giai đoạn sao chép lâu rồi, giờ đã đi song hành với thế giới, chủ động trong việc tổng hợp thông tin trên thế giới để từ đó sáng tạo, giúp sản phẩm của mình đi nhanh nhất.

PV: Nghiên cứu công nghệ cao đòi hỏi đội ngũ chất xám. Về mặt trình độ, đội ngũ cán bộ, nhân viên của VHT liệu đã đáp ứng được yêu cầu phát triển sản phẩm công nghệ cao chưa, thưa đồng chí? 

Tổng giám đốc VHT Nguyễn Vũ Hà: Đánh giá theo khách quan dựa trên các sản phẩm, cả về công nghệ cũng như chất lượng, kỹ sư của VHT đã hoàn toàn tự tin vào năng lực cũng như khả năng xứng tầm với thế giới. Kỹ sư của VHT không kém đội ngũ kỹ sư một nước nào, nhà công nghiệp lớn nào trên thế giới, cả về chuyên môn và về nỗ lực làm việc.

Về chủ quan, mặc dù đội ngũ kỹ sư của chúng tôi có những thay đổi rất nhiều, nhưng nhân sự chủ chốt tương đối ổn định. Đội ngũ này đã cùng với tập đoàn, lãnh đạo VHT liên tục phát triển các công nghệ lõi xứng tầm thế giới.

Trước đây, có rất nhiều đơn vị trong Bộ Quốc phòng, các khách hàng, kể cả đối tác nước ngoài đều nói là Viettel không thể làm được radar bờ. Khi bắt tay vào nghiên cứu môi trường xử lý trên biển, Viettel là con số 0. Tận tụy cố gắng, ngày đêm bám trận địa rồi thực tế phát triển sản phẩm-có những anh em 3 tháng ở trên đỉnh núi trực tiếp cắm đài, thử nghiệm, khiến sản phẩm ngày càng hoàn thiện. Hay như mô phỏng lái máy bay, chu trình phát triển trên thế giới thường là mua dữ liệu của các nhà nghiên cứu, sản xuất, sau đó xây dựng mô hình. Nhưng không ai bán cho ta. Anh em lại loay hoay, tìm tòi rồi quay lại quá trình thiết kế ngược. Từ cái máy bay, từ mô tả động cơ, chúng ta thiết kế được chu trình động lực bay... Từ đó sản phẩm hình thành và hiện nay đã được Bộ Quốc phòng tin tưởng và đưa vào trang bị. Đây là những ví dụ về sự nỗ lực dựa trên cơ sở trí tuệ của các kỹ sư VHT.

PV: VHT có tự tin sẽ sáng tạo ra một vũ khí công nghệ đặc sắc vượt trội như “nỏ thần” cho Việt Nam không? 

Tổng giám đốc VHT Nguyễn Vũ Hà: Chúng tôi tự tin. Sự tự tin đó đến từ 2 điểm khác biệt của VHT trong cách nghiên cứu và chất lượng, tính năng của sản phẩm. 

Về nghiên cứu, đi sau thế giới cả về hạ tầng cũng như công nghệ lõi, đặc biệt là khoa học cơ bản nên chúng tôi tổ chức các hoạt động nghiên cứu phải nhanh, phải đứng được, phải tích lũy được các kinh nghiệm của thế giới để đưa sản phẩm vào thị trường nhanh nhất. Từ biện pháp tổ chức nghiên cứu ấy, chúng tôi có thể thiết kế ngược, từ các tính năng sản phẩm thì quay trở lại thiết kế hệ thống, đặt ra các chỉ tiêu để đi nhanh và có sản phẩm so sánh.

Thứ hai, VHT đi cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những module có tính công nghệ vừa phải mà thế giới đã chín muồi rồi thì có thể tích hợp nhanh vào sản phẩm. Còn chúng tôi tập trung làm chủ công nghệ lõi, làm chủ những module thành phần cốt yếu nhất. 

Về chất lượng, khác biệt của VHT là làm chuẩn theo thế giới ngay từ đầu, từ chuẩn về tham số điện đến cơ khí môi trường... Chúng tôi là đơn vị quân đội, được các đơn vị quân đội trực tiếp tham gia trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm. VHT “may đo” và xây dựng các tính năng phù hợp với đặc thù tác chiến của Việt Nam, của Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như nhân trắc học của người Việt Nam. 

Tóm lại, sự khác biệt của nghiên cứu của VHT là công nghệ và chất lượng thế giới, tính năng và các điều kiện hoạt động phù hợp với phương thức tác chiến cũng như điều kiện vận hành đảm bảo kỹ thuật của Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Ngày 10-9 vừa qua, tại Hà Nội, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) nằm trong số 7 tập thể được vinh danh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.

(Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân - Hồ Quang Phương thực hiện)

Công nghệ VHT và thế giới

sign up email