Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong những năm qua, quân đội ta đã từng bước được hiện đại hóa, trong đó có một số lực lượng được đầu tư xây dựng tiến thẳng lên hiện đại. Góp phần vào quá trình hiện đại hóa quân đội, có sự đóng góp tích cực của ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam…
Thực tiễn các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc đã cho thấy, bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cho quân đội là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Bởi vậy, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng, phát triển CNQP. Đặc biệt, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng, phát triển nền CNQP, an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội”. Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từng nhấn mạnh: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động CNQP, ngoài việc coi trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, cần phải phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong và ngoài quân đội, đồng thời tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế với các quốc gia có nền quốc phòng tiên tiến, bảo đảm nền CNQP Việt Nam hiện đại, lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn và gắn kết chặt chẽ với công nghiệp quốc gia.
Từ công tác huấn luyện, SSCĐ và chiến đấu của quân đội ta cho thấy, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, trước hết phải coi trọng xây dựng nhân tố con người; tiếp đến phải có VKTBKT hiện đại. Do vậy, bên cạnh đầu tư mua sắm, chúng ta phải đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế, hướng tới tự chủ trong chế tạo, sản xuất VKTBKT để trang bị cho quân đội. Bởi, nếu quá trình hiện đại hóa quân đội phụ thuộc nhiều vào việc mua sắm VKTBKT của nước ngoài, chúng ta sẽ bị phụ thuộc về công nghệ, không giữ được yếu tố bí mật, và sẽ bị lạc hậu khi thế giới phát triển được các loại VKTBKT hiện đại hơn. Theo Thiếu tướng Hoàng Sơn, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel): Khi tự chủ được về CNQP, chúng ta không chỉ bảo mật về tính năng kỹ-chiến thuật của VKTBKT, mà còn có thể chủ động trong nghiên cứu, sản xuất, bảo đảm kỹ thuật, bảo hành, bảo trì; đồng thời tạo ra sản phẩm có giá thành hợp lý, góp phần tiết kiệm ngân sách quốc phòng. Từ đó có thể thấy, tự chủ trong phát triển CNQP là yêu cầu tất yếu và cấp thiết.
Trong những năm qua, ngành CNQP đã được quan tâm đầu tư, qua đó tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác sửa chữa, sản xuất, bảo đảm VKTBKT cho toàn quân. Năng lực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, sửa chữa VKTBKT của CNQP có bước phát triển đột phá. Tỷ lệ các dây chuyền, thiết bị công nghệ hiện đại và khả năng sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa VKTBKT được nâng cao, đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất VKTBKT cho LLVT, giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Năng lực sản xuất, sửa chữa các sản phẩm CNQP, nhất là đóng tàu quân sự, điện tử viễn thông phát triển mạnh. Công tác nghiên cứu khoa học công nghệ bước đầu gắn kết chặt chẽ với sản xuất, tập trung vào các sản phẩm công nghệ cao, nhiều sản phẩm nghiên cứu phát triển đã được trang bị cho LLVT, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, CNQP còn sản xuất được một số sản phẩm phục vụ dân sinh và xuất khẩu.
Với tiềm năng, thế mạnh của mình, Viettel đã tích cực tham gia vào quá trình phát triển CNQP. Đến nay, Viettel đã nghiên cứu chế tạo thành công hàng chục sản phẩm thuộc 10 ngành CNQP công nghệ cao với nhiều công nghệ lõi quan trọng. Trong đó, đã sản xuất cung cấp cho quân đội hơn 30 dòng sản phẩm thuộc 8 ngành. Những sản phẩm CNQP tiêu biểu của Viettel có thể kể đến như: Máy thông tin quân sự bảo đảm thông tin liên lạc cả trên bộ, trên không và trên biển; Hệ thống cảnh giới vùng trời quốc gia; Hệ thống ra-đa công nghệ số ứng dụng AI trong bài toán xử lý, hiển thị mục tiêu và nhiễu; Hệ thống mô hình mô phỏng phục vụ công tác huấn luyện chiến đấu; Hệ thống Quang điện tử hỗ trợ quan sát, giám sát, trinh sát và chỉ thị mục tiêu sử dụng công nghệ ảnh nhiệt (thermal imaging); các loại máy bay không người lái và nhiều sản phẩm dân sự khác…
Trong hơn 10 năm tham gia vào lĩnh vực CNQP, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều trang thiết bị quân sự công nghệ cao, giúp các quân, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại; qua đó nâng cao tiềm lực quân sự, quốc phòng và khả năng tác chiến của quân đội ta. VHT đã tạo ra nhiều sản phẩm ngang tầm khu vực và thế giới; một số sản phẩm còn có tính năng vượt trội. Trung tá Nguyễn Vũ Hà, Tổng Giám đốc VHT cho rằng, để CNQP phát triển đúng hướng lưỡng dụng, hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, Đảng, Nhà nước cần tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các giải pháp, trước hết là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng, phát triển CNQP. Đặc biệt, cần tập trung nghiên cứu sản phẩm quốc phòng công nghệ cao, thúc đẩy xã hội hoá hoạt động nghiên cứu; phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động nhiều nguồn lực phát triển CNQP, nhất là các chương trình, dự án trọng điểm. Việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực CNQP phải được ưu tiên hàng đầu bởi đây là yếu tố đóng vai trò quyết định.
Bài, ảnh: TỨ MINH - Báo QĐND