Các quốc gia châu Âu, bao gồm Đức, đang muốn đẩy mạnh khả năng sản xuất chip trong nước của mình. Ảnh: AFP
Nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, TSMC đã đàm phán với bang Sachsen của Đức kể từ năm 2021 về việc xây dựng một nhà máy chế tạo, hay còn gọi là "fab" ở Dresden trong thời điểm Liên minh châu Âu thông qua Đạo luật chip của EU, một kế hoạch trợ cấp trị giá 43 tỉ euro (46,07 tỉ USD) để tăng gấp đôi công suất sản xuất chip của họ vào năm 2030, nhằm bắt kịp châu Á và Mỹ.
Chủ tịch Mark Liu của TSMC đã nói trong một cuộc họp cổ đông thường niên rằng, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (Trung Quốc) TSMC đã cử các giám đốc điều hành đến Đức một vài lần để đàm phán về khả năng xây dựng nhà máy mới.
Quá trình này vẫn diễn ra một cách tích cực, theo chủ tịch TSMC. Đồng thời, ông cũng nói thêm rằng một số “lỗ hổng” trong chuỗi cung ứng và lao động ở Đức đang được giải quyết.
"Chúng tôi vẫn đang đàm phán với Đức về các khoản trợ cấp, mức trợ cấp sẽ là bao nhiêu và sẽ có điều kiện hỗ trợ như nào. Đức đang thảo luận chi tiết về điều này", ông Liu nói.
TSMC là một trong số các nhà sản xuất chip đang tìm cách huy động vốn của chính phủ để xây dựng các nhà máy ở châu Âu.
Nhà máy của TSMC có thể sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho nơi chúng được đặt. Ảnh: AFP
Bỉ và các quốc gia thành viên EU đang thúc đẩy sản xuất chip trong nước bằng cách cung cấp hàng tỉ USD trợ cấp nhà nước để cắt giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp châu Á và giảm bớt tình trạng thiếu chip toàn cầu. Khối này tìm cách tăng gấp đôi thị phần chip toàn cầu của họ lên 20% vào năm 2030.
Cũng theo ông Liu, TSMC đã hi vọng đầu tư toàn bộ vào nhà máy ở Đức, nhưng có thể sẽ cho phép một số khách hàng có cổ phần nhỏ nếu họ muốn.
TSMC cũng đang đầu tư 40 tỉ USD vào một nhà máy mới ở bang Arizona, miền tây nước Mỹ, hỗ trợ các kế hoạch của Washington nhằm sản xuất nhiều chip hơn trong nước, nhưng đã bày tỏ lo ngại về các tiêu chí đối với trợ cấp chất bán dẫn của nước này.
Các nhà sản xuất chip Hàn Quốc cũng bày tỏ lo ngại về các điều kiện, bao gồm việc chia sẻ lợi nhuận vượt mức với chính phủ Mỹ. Các nguồn tin trong ngành cho biết bản thân quy trình đăng ký có thể làm lộ chiến lược bí mật của công ty.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) có thái độ "cởi mở" đối với các điều kiện trợ cấp, đồng thời cho biết thêm rằng TSMC đã gửi "đơn đăng ký trước" vào tháng trước và sẽ tiếp tục "liên lạc tích cực" với Mỹ.
DOC sẽ bảo vệ thông tin kinh doanh bí mật, đồng thời bổ sung rằng yêu cầu chia sẻ lợi nhuận vượt mức sẽ chỉ xảy ra khi các dự án vượt quá dòng tiền dự kiến một cách đáng kể.
Chủ tịch Liu nói với giới truyền thông sau cuộc họp rằng TSMC cũng đang xem xét xây dựng một nhà máy thứ hai ở tỉnh Kumamoto của Nhật Bản để hoạt động cùng với một nhà máy hiện đang được xây dựng ở đó.
(Nguồn: Báo Lao Động)