Liên hệ

Hệ sinh thái 5G "Make in Vietnam": Viettel chuyên sâu mạng lõi, Vin Group tập trung vào thiết bị đầu cuối

Tháng 04,  20/2021

Lễ chuyển giao Dự án Nghiên cứu phát triển trạm gốc 5G gNodeB từ công ty Cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất Vinsmart (thuộc Tập đoàn Vingroup) cho Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT - thuộc Tập đoàn Viettel) vừa được hai bên tiến hành ngày 19/03/2021.

Buổi lễ chuyển giao diễn ra thành công tốt đẹp dưới sự chứng kiến của Thiếu Tướng Hoàng Sơn - Phó TGĐ Tập đoàn Viettel và  Ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup

Theo thỏa thuận của lãnh đạo 2 Tập đoàn, Vingroup chuyển giao cho Viettel toàn bộ dự án gồm trang thiết bị nghiên cứu đã đầu tư, hệ thống tri thức cùng các kết quả nghiên cứu đã đạt được và đội ngũ nhân sự trực thuộc.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Vũ Hà – Tổng Giám đốc Tổng Công ty VHT đánh giá, việc chuyển giao dự án phát triển hệ thống trạm gốc di động 5G gNodeB từ Vingroup về Viettel sẽ giúp phát huy thế mạnh của từng bên: Viettel tập trung phát triển mạng lõi viễn thông và trạm EnodeB; Vingroup tập trung nghiên cứu phát triển thiết bị đầu cuối 5G. Ông Nguyễn Vũ Hà cho biết: “Tất cả là nhằm đảm bảo chiến lược Make in Việt Nam về mạng viễn thông thế hệ mới 5G - người Việt Nam làm chủ về nghiên cứu sản xuất cả phần mạng lõi, truy nhập vô tuyến và thiết bị đầu cuối.”

Ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup khẳng định: “Khát vọng để Việt Nam tham gia vào dòng chảy công nghệ thế giới, sở hữu công nghệ cao là khát vọng chung của cả 2 tập đoàn. Việc cùng hợp tác đồng thời với việc xác định hướng đi tập trung của từng bên chắc chắn sẽ đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện hệ sinh thái 5G Make in Vietnam từ phần lõi đến thiết bị cung cấp cho người dùng cuối.”

Đoàn kỹ sư trong dự án phát triển trạm trạm gốc gNodeB 5G từ Vingroup tham quan phòng trưng bày các sản phẩm công nghệ cao tại ngôi nhà mới VHT

Trước đó, tháng 10/2020 Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel và Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển hệ thống trạm gốc di động 5G gNodeB. Theo thỏa thuận, VinSmart chịu trách nhiệm phát triển và cung cấp thiết bị vô tuyến (RU) 8T8R; Ăng ten 8T8R; thiết bị Massive MIMO 64T64R (tích hợp cả RU và Ăng ten), đây là công nghệ phục vụ cho thu phát sóng 5G. VHT nghiên cứu và phát triển thiết bị xử lý tín hiệu (CU-DU); hệ thống mạng lõi 5G; cung cấp dịch vụ 5G và các công nghệ mới như Công nghệ điều khiển bút sóng (Beamforming) và Multi User Massive Mimo cũng cấp dịch vụ tốc độ cao cho nhiều người dùng.  

Mục tiêu chương trình là tiến tới thương mại hóa thành công trạm gốc di động 5G chất lượng cao đầu tiên của Việt Nam. Trạm có công nghệ hiện đại do người Việt làm chủ công nghệ.

Phó Chủ tịch Vingroup nhận định "Môi trường Viettel là nơi làm việc lý tưởng. Sau khi tham quan khu trưng bày sản phẩm của Viettel, tôi rất ấn tượng và tin tưởng các nhân sự của Vingroup khi sang Viettel sẽ tiếp tục thành công"

Tháng 11/2020, Viettel đã chính thức kinh doanh thử nghiệm thương mại 5G, thiết bị thu phát sóng 5G gNodeB của VHT đã đạt tốc độ tải xuống cao nhất trên 1,2 Gpbs. Tổng công ty VHT đặt mục tiêu tháng 6/2021 sẽ thương mại hóa trạm phát sóng 5G Microcell, tháng 6/2022 phát triển trạm phát sóng 5G trên toàn mạng lưới. Trong năm 2021 cũng sẽ cơ bản hoàn thành nghiên cứu cho sản phẩm Macrocell với vùng phủ sóng rộng hơn và số lượng ăng-ten lớn hơn để đến tháng 6/2022, sản phẩm Macrocell cũng sẽ sẵn sàng để đưa vào kinh doanh.

Sự chuyển giao nghiên cứu từ Tập đoàn Vingroup cho Viettel là bước đi chiến lược của hai Tập đoàn góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển. Hiện điện thoại 5G do Vinsmart nghiên cứu sản xuất đang được Viettel sử dụng để kết nối thử nghiệm trong quá trình phát triển thiết bị mạng lõi 5G.

Những bước tiến trong phát triển 5G của Viettel và Vingroup chứng minh Việt Nam không những đang cùng hoà nhịp với thế giới trong triển khai kết nối mà là một trong những quốc gia tiên phong công nghệ mới. Sự hợp lực giữa Vingroup và Viettel trong triển khai 5G đã góp phần đưa công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam lên một bệ phóng với lực đẩy mạnh mẽ.

Công nghệ VHT và thế giới

sign up email