Contact

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra và làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)

Month 08,  16/2022

Hà Nội, Ngày 16 tháng 8 năm 2022 – Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ (TTCP) đã đến thăm, làm việc với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel).

Dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Cùng dự có Thượng tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành: Công an, Lao động-Thương binh và Xã hội, Công Thương, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước.

photo_2022-08-16_18-18-33

Thượng tá Nguyễn Vũ Hà -Tổng Giám Đốc VHT giới thiệu chip set 5G cho Thủ tướng Phạm Minh Chính

Sau khi thăm, kiểm tra cơ sở vật chất tại khu công nghệ cao của tập đoàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Viettel. Buổi làm việc được kết nối với điểm cầu chi nhánh Viettel tại 63 tỉnh, thành phố và 10 thị trường nước ngoài.

Báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác của Chính phủ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng cho biết, trong hơn 30 năm hình thành và phát triển, Viettel phát triển nhanh, hiện hoạt động kinh doanh ở hơn 10 quốc gia, với gần 50 ngàn cán bộ, chiến sĩ, nhân viên. Viettel đạt doanh thu hợp nhất duy trì gần 150 nghìn tỷ đồng/năm; lợi nhuận trước thuế luôn duy trì khoảng 40 nghìn tỷ đồng/năm, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu luôn duy trì hơn 25%.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyến thăm và làm việc với Viettel nhằm kiểm tra, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, chiến lược phát triển KT-XH xã hội 10 năm, chương trình phục hồi và phát triển, chương trình CĐS, phát triển xanh, phát triển năng lượng sạch.

299850620_1667331943640972_4791605513256553458_n

Thượng tá Nguyễn Vũ Hà - Tổng Giám Đốc VHT giới thiệu về thiết bị thông tin liên lạc

Riêng 7 tháng đầu năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức ở cả trong và ngoài nước, kết quả kinh doanh của Tập đoàn đạt kết quả khá tích cực với doanh thu hợp nhất đạt 92,9 nghìn tỷ đồng, đạt 56,7% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 31,2 nghìn tỷ đồng, đạt 73,6% kế hoạch năm; nộp ngân sách 24,3 nghìn tỷ đồng, đạt 64,8% kế hoạch năm.

Năm 2020 và 2021, Viettel trở thành doanh nghiệp Việt Nam có sức ảnh hưởng nhất về đổi mới sáng tạo khu vực Nam Á và Đông Nam Á; là thương hiệu viễn thông giá trị nhất Việt Nam, đứng số 1 tại Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và thứ 18 trên bảng xếp hạng các nhà mạng có giá trị lớn nhất thế giới năm 2022 với giá trị thương hiệu đạt 8,7 tỷ USD.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những thành tích tập đoàn đạt được thời gian qua, khẳng định Viettel đã chuyển đổi hiệu quả từ một đơn vị quân đội thành đơn vị lưỡng dụng; đóng góp vào ngân sách Nhà nước; góp phần phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ nước nhà. “Viettel hình thành trong khó khăn, tồn tại trong khó khăn, phát triển trong khăn”, Thủ tướng nhận định.

Thủ tướng cho rằng, Viettel đã thích ứng và phát triển, biến cái không thể thành cái có thể, với tầm nhìn “sáng tạo vì con người” và sứ mệnh “tiên phong chủ lực kiến tạo xã hội số”; là doanh nghiệp luôn coi trọng và đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển; góp phần hình thành nền công nghiệp an ninh mạng, bảo đảm an toàn cho công cuộc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số cho người dân.

“Với triết lý “Kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội”, bên cạnh nhiệm vụ chính là hoạt động sản xuất kinh doanh, Viettel đã thực hiện tốt trách nhiệm xã hội“, Thủ tướng chỉ rõ.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, Viettel có lúc phát triển với tốc độ chậm hơn tốc độ phát triển đất nước; chưa thực sự tiên phong, đi đầu trong xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

299345752_1667332023640964_8476155973812370074_n
 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, năm 2022 và những năm tiếp theo, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp; cạnh tranh chiến lược, xung đột thương mại ngày càng quyết liệt; xung đột quân sự Nga - Ukraine tác động sâu rộng đến các quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam trên nhiều lĩnh vực; kinh tế toàn cầu có khả năng suy thoái, khủng hoảng do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Cùng với đó, xu thế toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội và làm thay đổi phương thức sản xuất, quốc gia nào tận dụng được cơ hội sẽ vượt lên và phát triển.

Đối với nước ta, Đảng, Nhà nước, Chính phủ xác định xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Trong đó doanh nghiệp Nhà nước như Viettel giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Do đó, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Viettel tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa tầm nhìn “sáng tạo vì con người” và sứ mệnh “tiên phong chủ lực kiến tạo xã hội số” để thực hiện các nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao mà trực tiếp là nhiệm vụ mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong quá trình đó, phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; chống tham nhũng tiêu cực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, Viettel phải tập trung xây dựng và phát triển, là nòng cốt xây dựng Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao; xây dựng, phát triển nền công nghiệp sản xuất thiết bị dân sự, góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14-01-2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Viettel nghiên cứu, sản xuất chip điện tử; phục vụ đắc lực, hiệu quả chuyển đổi số quốc gia với các trụ cột xây dựng Chính phủ số, xã hội số; giữ vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số; làm trung gian thanh toán chuyển mạch, bù trừ điện tử; xây dựng dữ liệu quốc gia; tăng cường an ninh, an toàn viễn thông, an toàn mạng.

Viettel phải tiếp tục đầu tư cho hạ tầng chiến lược viễn thông, viễn thám, phát triển logistics, thương mại điện tử; đầu tư ra nước ngoài phải chắc chắn, hiệu quả, đúng pháp luật của Việt Nam và nước sở tại; góp phần xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị, hòa bình và hợp tác giữa Việt Nam với các nước; tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội, đầu tư cho các địa bàn còn khó khăn, kết hợp an ninh quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Viettel tham gia tích cực vào chuyển đổi năng lượng xanh, sạch; chuyển đổi kinh tế xanh; góp phần bảo vệ Trái đất, ứng phó biến đổi khí hậu; tiếp tục góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính, quản trị quốc gia để xây dựng các mô hình đa dạng hơn, phù hợp từng giai đoạn, thích ứng hiệu quả. “Viettel phải triển khai các công việc có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, làm việc gì dứt điểm việc đó”, Thủ tướng chỉ đạo.

299306119_1667331920307641_9220764666453815641_n
Thủ tướng phát biểu tại buổi họp với Tập Đoàn Viettel

Tập đoàn cũng có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội, nhất là tại những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng khó khăn. Đời sống vật chất, tinh thần và khát vọng vươn lên của cán bộ, chiến sĩ, người lao động ngày càng cao, Viettel là nơi làm việc hấp dẫn của các nhân lực chất lượng cao.

299803486_1667331970307636_4563409784767625987_n
 

Thủ tướng yêu cầu Viettel tiếp tục làm tốt hơn nữa trách nhiệm với xã hội, giữ vững và làm đẹp thêm phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ; tiếp tục xây dựng các cấp ủy, tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tự diễn biến, tự chuyển hóa; đồng thời tiếp tục giữ vững nội bộ luôn đoàn kết; không tự mãn, chủ quan; đảm bảo đời sống tốt cho cán bộ, nhân viên.

Đối với các nội dung đề xuất, kiến nghị của Tập đoàn Viettel, Thủ tướng cho rằng đây đều là những đề xuất xác đáng, thiết thực. Những nội dung thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, thì Bộ Quốc phòng chỉ đạo nghiên cứu, hoàn chỉnh, tổng hợp báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ. Những nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách và trách nhiệm của các bộ, ngành địa phương, giao các đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất, giúp Viettel tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian tới. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp trình Thường trực Chính phủ xem xét.

Trước vận hội mới của đất nước, Đảng, Nhà nước, Chính phủ gửi niềm tin và mong muốn tập thể Đảng ủy, Ban Tổng Giám đốc và toàn thể cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động Viettel luôn phát huy tinh thần người lính, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên tất cả mặt trận kinh tế, quốc phòng, an ninh. Thủ tướng tin tưởng với cách làm sáng tạo, bề dày truyền thống, Viettel sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thắng lợi mới, chinh phục những đỉnh cao mới, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó.

Trích nguồn báo QĐND

Công nghệ VHT và thế giới

sign up email